Monday, December 31, 2012

Họa và phúc

      Tiêu Dao
     Ông có cô  con gái đầu lòng tên Trung và giữ chức tri bộ nên người trong làng gọi ông  là  ông  Tri Trung .
     Ông  là một người theo Tây học .Ông  cứng cõi ,quyết đoán , dứt khoát . Tuy tuổi đã bảy mươi mà ông vẫn còn minh mẫn và mạnh mẽ . Và cái chính đáng kể là ông là một người lạc quan.Bất kể tình huống nào dù đen tối  bế tắc đến đâu ông  cũng tìm ra cho được một khía cạnh tươi sáng để hi vọng và vui vẻ .
   Sau 75 , cũng theo dòng thác chảy , ông bị trưng thu rất nhiều ruộng đất . Trong khi bà Tri Trung buồn rầu ảm đạm thì ông  rất đổi thản nhiên :
  - Bà nó không thấy mừng răng ! Mình già rồi làm ruộng đất nhiều quá thì mệt chứ sướng ích chi ! Phải cảm ơn các anh ấy mới đúng !
  Ai không biết tưởng là ông nói gay mói mỉa chứ thực ra thì ông đã nói thật lòng đến chín chín phần trăm !
  Bà Tri vẫn chưa chịu chấp nhận :
   - Rồi ruộng đất mô để mà chia cho sắp nhỏ ? Tui rầu mà ông nói như không !
  - Á ! Hay hỉ ! Bộ bà tính cho tụi nhỏ làm nông hoài răng ! Bộ chỉ có một nghề nông là sống được hay răng ! Bà chờ mà xem trong cái dở có cái hay . Phúc hề họa chi sở phục .Họa hề phúc chi sở ỷ.

  Khi bị trộm viếng nhà , mọi người ai cũng chắc lưỡi hít hà tiếc của ...Ông  la:
-  Tự nãy giờ nhà ta lại mất thêm một số của nữa tề !
  Ai nấy hoãng hồn lắp bắp :
   _ M..ất ...cái chi ?
   - Mất nước miếng và mất hơi chứ mất chi !
   Mọi người cười xòa rồi thôi không nói nữa !

   Anh con trai thứ ba của cụ sa cơ lỡ vận -từ ông giáo sư ĐH bị cho về vườn nằm xó bởi vì dính ba cái "triết  tư bản phản động "-thường hay thở vắn than dài sinh bất phùng thời , sinh lầm thế kỷ...thường uống rượu giải sầu và ngâm thơ Vũ Hoàng Chương  đầy bi lụy Ôi ! Ai đã làm chi đời ta Ai đã làm chi lòng ta ...Cho đời tàn tạ lòng băng giá ... .Ông cụ sạt cho một mẻ :
    - Á ! Đàn ông đàn ang mà bi lụy rứa đó hỉ  ! Hãy nhìn các nước "mọi " nghèo đói ở châu Phi mà xem! Hãy nhìn dân  Do Thái mà xem ! Chưa đọc sử  thế chiến  hỉ ? !
  Thế là anh chàng chỉ còn dám ngâm (len lén ) bài  Hồ trường mà thôi !
   
   Cô gái Út Trung12 , ( Ông cụ cứ cái tên Trung làm chuẩn  rồi cứ gắn theo thứ tự vào từng đứa cho đơn giản và dễ nhớ - bắt đầu là Trung 2 và kết thúc là Trung 12) một hôm nọ  không may bị té xe , xây xát cũng khá  . Cô mách mẹ . Bà Tri xót xa :
   -Trời ơi ! Răng rủi quá rứa !
   Ông  cụ cười cười như không :
   - Răng bà nói rủi ! Tôi thấy là may đó .
   - ??!!
  - May mà nó không bị gãy chân gãy  hay chấn thương  ...
  -...
    - Thật ra ở đời tôi thấy may nhiều rủi ít chứ không phải may ít rủi nhiều như mọi người hay than trách mô !
       - ??!!?
   -Thì cứ nhìn ra trước mắt mà xem .Nội cái ta đi ra vườn nếu rủi nhiều thì nào bị ong chích nì ,  rắn cắn nì  ,  đạp gai đạp miễng nì    , dừa rụng trên đầu  nì  ...Ra đường thì trượt  chân  nì  , xe đụng nì ...Thật là có quá nhiều cái rủi  mà ta có thể gặp nhưng thỉnh thoảng ta mới bị . Có phải rủi ít may nhiều không?!  
     Mọi người nghe nói đều chịu là đúng và cảm thấy mừng vì  cô Út nhà ta bị rủi mà cũng còn may  ! Thế là mọi người lại nói :
   -Ồ ! Tính ra cô Út cũng còn may đấy .Chưa răng chưa răng !
   Thế là bà Tri hết than , cô Út hết buồn và cả nhà lại cười ! Anh Trung 7 đặt cho ông  "danh hiệu " là  Thiền sư nói ngược .
  
    Sau nầy ,  học tính ông , mỗi lần gặp họa  thì tôi tự trấn an mình họa hề phúc chi sở ỷ. Cũng như khi gặp phúc thì tôi cũng không dám quên tự răn đe mình phúc hề họa chi sở phục  .

tieudao

Tuesday, December 18, 2012

NGÀY MAI - thơ Mộc Nhân

  Mộc Nhân - Lê Đức Thịnh

                                               NGÀY MAI
                                   Em có ở bên tôi nếu mai là ngày tận thế
                                    rồi tất cả sẽ tan biến
                                    chỉ còn những khoảnh khắc trong trái tim
                                      Em có ở bên tôi nếu mai là ngày cuối
                                       rồi tất thảy sẽ  vỡ vụn và hủy diệt
                                      chắc gì còn cát bụi mịt mờ trên những con đường.
                                        Em hãy bên tôi và bước vào giấc mơ của tôi
                                        bởi em mang theo niềm kiêu hãnh thánh thiện
                                        làm tôi mạnh mẽ hơn - nếu ngày mai ấy đến.
                                         Em có ở bên tôi nếu đến ngày mai
                                          chúng ta sẽ lùi xa hơn quá khứ - đến tận hồng hoang
                                           nhưng em có còn nhớ những con đường
                                            vào trong giấc mơ của tôi không ?

                                                                            (Tặng em N.T. )

Wednesday, November 28, 2012

Tham khảo ý kiến thứ hai


Buổi sáng nọ, ông bác sĩ và vợ tranh cãi rất quyết liệt trong bữa ăn sáng. Trong lúc chạy vụt ra khỏi nhà để đến dưỡng đường, ông bác sĩ hét to một cách giận dữ vào mặt vợ:
- Bà cũng chẳng ngon lành gì lúc ở trên giường cả
Khoảng giữa buổi sáng ấy, ông nhận thấy tốt hơn là nên cải thiện tình hình và ông gọi điện thoại về nhà.
Sau nhiều hồi chuông, bà vợ, rõ ràng là đang muốn hụt hơi, nhấc điện thoại.
- Bà làm gì mà lâu quá mới bắt điện thoại, mà tại sao còn thở hổn hển nữa.
Bà vợ đáp:
- Tôi đang ở trên giường.
Rồi ông bác sĩ hỏi tiếp:
- Trời đất quỷ thần ơi, giờ này bà làm gì ở trên giường hả?
Bà vợ trả lời:
- Thì đang tham khảo thêm ý kiến thứ hai.
One morning, the doctor and his wife were having a very heated argument over breakfast. As he stormed out of the house on his way to the clinic, the doctor angrily yelled to his wife, "You aren't that good in bed either!"
By midmorning, he decided that he had better make amends and phoned home. After many rings, his wife, clearly out of breath, answered the phone. "What took you so long to answer and why are you panting?"
The wife replied, "I was in bed."
Then the doctor asked, "What in the world are you doing in bed at this hour?"
His wife responded, "Getting a second opinion." 
Bùi Công Trường st
Copy ở blog " vui sống mỗi ngày " 

Saturday, November 24, 2012

Càng cao tuổi càng cần ăn ngon !

Chúng ta sống đến tuổi nầy là may mắn lắm rồi ! nên ăn những gì chúng ta thích, đừng hà tiện nữa ! để dành tiền cho con cháu biết bao nhiêu cho đủ ??? Hơn nữa, chúng nó có bằng cấp, có công việc tốt, chúng nó hẵn nhiên là giàu có hơn mình ! thì tại sao mình lại hà tiện, chắt chiu để dành cho chúng ? biết bao nhiêu cho đủ ?? ( còn ăn thì cứ ăn cho thỏa thích. Một mai răng rụng hết chỉ còn nhìn mà hít hà thôi ! ! ! )
Tuy không hẳn vì bất hiếu nhưng do định kiến là người cao tuổi không cần ăn nhiều nên không thiếu người già bị rơi vào tình trạng suy dinh dưỡng một cách oan uổng! Thêm vào đó là nhiều người lớn tuổi phải kiêng cữ, thường khi thái quá do con cháu ép buộc, vì bệnh tiểu đường, cao huyết áp, tăng mỡ trong máu…

Vấn đề chưa dừng lại ở điểm cơ thể người cao niên vì thế mà thiếu dưỡng chất. Nguy hơn nhiều là do đó mà sức đề kháng bị xói mòn khiến bệnh bội nhiễm cũng như bệnh do thoái hóa cơ khớp trở thành mối đe dọa thường xuyên cho cơ thể vốn vừa nhạy cảm, vừa dễ thiếu nước khi tuổi đời chồng chất. Nếu xét về mặt dược lý, bữa ăn của người cao tuổi thậm chí quan trọng không kém viên thuốc đặc hiệu.
Quan điểm theo đó người cao tuổi phải e dè với từng miếng ăn, là một sai lầm nghiêm trọng. Nhiều công trình nghiên cứu trong thời gian gần đây cho thấy hình thức ăn uống dồi dào rau cải tươi, nhiều cá biển, và nhất là ngon miệng, là chế độ dinh dưỡng lý tưởng cho người già.
Bằng chứng là người cao tuổi ở Địa Trung Hải ít bị nhồi máu cơ tim nhờ khẩu phần đa dạng với thực phẩm “xanh” chiếm tối thiểu 60% tổng lượng. Bằng chứng là người Nhật có tuổi thọ cao nhất thế giới nhờ thực đơn hầu như không bao giờ thiếu cá biển và đậu nành. Ngược lại, người cao tuổi trong các nhà dưỡng lão ở Hoa Kỳ, nơi chế độ ăn uống kiêng cữ được đặt lên hàng đầu, lại có tỷ lệ tai biến mạch máu não và tử vong vì nhồi máu cơ tim vượt xa các nước khác!
Từ nhận thức đó, thay vì tiếp tục đề cao hình thức kiêng khem, đa số chuyên gia dinh dưỡng ở khắp nơi đã đồng lòng tán dương chế độ dinh dưỡng mang nhiều nét “đổi mới” cho người già dựa trên các nguyên tắc như sau:
• Người cao tuổi nên ăn tất cả những món ưa thích và ngon miệng, miễn là với lượng không gây trở ngại cho chức năng tiêu hóa.
• Khẩu phần hàng ngày càng đa dạng càng tốt, càng ít thực phẩm công nghệ càng hay.
• Chắc chắn uống đủ nước trong ngày bằng cách chú trọng các món cung cấp nước như rau trái, món canh…, thay vì uống nước vì nhiều người già thường chỉ uống khi khát.
• Đừng nấu cho người cao tuổi các món ăn tuy bổ dưỡng về thành phần nhưng với khẩu vị nuốt không vô !!!. Đừng quên cảm giác ngon miệng là đòn bẩy cho sức kháng bệnh.
Không nhất thiết phải cữ muối tuyệt đối nếu không có y lệnh của thầy thuốc trong giai đoạn bệnh tim mạch cấp tính.
• Không nên thiếu món ngọt nếu thực khách chưa bị bệnh tiểu đường.
• Luôn luôn có rau quả tươi trong khẩu phần.
• Nên có nhiều bữa ăn nhỏ thay vì ngày ba bữa đúng giờ.
• Một ly rượu vang cho mỗi bữa ăn là điều nên làm.
• Chỉ tránh các món ăn gây dị ứng, món chiên xào nếu đã có bệnh trên đường tiêu hóa như viêm đại trường mãn, viêm ruột dị ứng, trĩ…
• Có bữa cơm gia đình cùng con cháu thay vì ăn riêng trong buồn tẻ như người bệnh nặng.
• Vận động nhẹ trước và sau bữa ăn.
Con cháu nếu biết thương ông bà đừng quên là các nhà nghiên cứu ở Hoa Kỳ vừa chứng minh hẳn hòi là :
người cao tuổi nếu có da có thịt một chút, nghĩa là dư cân, ít bị bệnh và sống thọ hơn bạn đồng niên mình hạc xương mai.
Lượng mỡ dưới da, tất nhiên không nhiều, chính là kho dự trữ dưỡng chất để đáp ứng cho nhu cầu phục hồi của cơ thể người cao tuổi mỗi lần ngã bệnh.
Không cho người già ăn no bụng và ngon miệng là một điều đáng trách cả về lý lẫn về tình.
Bác sĩ Lương Lễ Hoàng










Saturday, November 10, 2012

Tin Buồn



   Được tin vợ của anh Lê Đức Thu - một thành viên trong hội - đã từ trần vào lúc 16giờ 15 phút ngày 9 tháng11 năm  2012 tức 26 tháng 9 năm Nhâm Thìn hưởng thọ 52 tuổi .

   Đại diện hội đồng hương QNĐN tại Bến Tre gồm : anh Phạm Đạt Nhân , anh Hà Hương  và Bác sĩ Nguyễn Hữu Hữu đến phúng điếu và chia buồn cùng gia đình anh Lê Đức Thu .

 Anh chị em trong hội cầu nguyện cho hương linh của chị Nguyễn thị Ngọc Châu sớm tiêu diêu lạc quốc .


Vài nét về truyền thống tâm linh trong gia đình anh Hà Hương

        Anh Hà Hương làm rể trong gia đình ông Trương Kim Châm.( Và có một điều rất lạ là hiện giờ mọi người dân ở Bến Tre - ngoài anh em trong hội đồng hươngQNĐN - đều gọi anh là  ông  Trương Kim Châm , mặc dù  họ đều biết ông Trương Kim Châm đã qua đời ) . Vào những năm 60 của thế kỷ trước ,Trương Kim Châm là một thương hiệu thuốc Bắc nổi tiếng ở Bến Tre không những nổi tiếng về tài xem mạch bốc thuốc mà còn nổi tiếng về lòng nhân đức của ông chủ cửa hiệu .Ông Trương Kim Châm không những chẩn đoán điều trị một cách tận tình cho các bệnh nhân mà còn hay cứu giúp những bệnh nhân nghèo .Cho nên ở Bến Tre mọi người đều nói đến ông Trương kim Châm với một thái độ mến mộ và nể trọng - không phải vì gia đình ông thuộc hàng danh gia mà ở lòng từ tâm lân mẫn đối với mọi người . Cuối đời ông , sau một thời gian dài tu tại gia , ông xuất gia ( pháp danh Huệ Phước ) thọ tới giới  tỳ kheo .

  Bà Trương Kim Châm cũng theo con đường giải thoát của Phật nên cũng xuất gia tu hành . Trong giai đoạn sau 1975 kinh tế nhà chùa khó khăn không thể thu nạp đệ tử nên việc xuất gia gặp nhiều trở ngại nên bà đành phải trở lại tu tại gia .Vợ chồng anh Hà Hương rất muốn cho mẹ đạt được ý nguyện nên anh chị mua đất và cất cho bà một " Niệm Phật Đường "để bà có chốn thanh tịnh để tu hành .Niệm Phật Đường nầy đã được trùng tu nâng cấp nhiều lần và cũng đã được rất nhiều thiện nam tín nữ khắp nơi tới lui lễ Phật . Năm ngoái , gia đình Hà Hương đã phát tâm  giao Niệm Phật Đường nầy cho giáo hội quản lý và điều động trụ trì . Chị Kim Liên , vợ anh Hà Hương , từ lâu cũng đã trường trai và một lòng hướng về tam bảo . Bà Trương Kim Châm đắc giới tỳ kheo ni pháp danh Thích nữ Huệ Hoa . Mới đây sư cô Huệ Hoa viên tịch , hưởng thọ 92 tuổi . Lễ tang được cử hành theo nghi thức Phật giáo ở các tự viện . Buổi lễ tang tại Niệm Phật Đường mang màu sắc đạo vị . Mọi người đều thành kính cầu nguyện giác linh cố Sư cô Huệ Hoa sớm tiêu diêu tịnh  độ .
  Sau khi hỏa thiêu , gia đình nhặt được trong đống tro 80 viên xá lợi !

   Gia đình của ông Trương Kim Châm nói chung và anh chị Hà Hương nói riêng đều có truyền thống tâm linh ngay từ thuở sinh thời cho đến khi từ bỏ thân tứ đại về Phật Quốc .  Thật là hiếm có một gia đình như vậy .
  Cái tên Trương Kim Châm lại được người ta đặt cho chàng rể quý Hà Hương . Có lẽ người dân ở đây muốn ghi nhớ hình ảnh và ơn đức của  một ông thầy thuốc nhân hậu và từ tâm Trương Kim Châm !

                                                                               Phạm Đạt Nhân

Thursday, November 8, 2012



TIN BUỒN
   Thân mẫu của chị Kim Liên ( vợ của anh Hà Hương ) tức sư cô Thích Nữ Huệ Hoa đã từ trần vào ngày 5 tháng 11 năm 2012 ( ngày 22 tháng 9 năm nhâm Thìn ) tại Niệm Phật Đường Phước Hoa ( Mỏ Cày , Bến Tre ) , hưởng thọ  92 tuổi .
Anh em trong hội đồng hương Quảng Nam - Đà Nẵng tại Bến Tre xin thành thật chia buồn cùng gia đình anh chị Hà Hương .
  Thành kính cầu nguyện cho hương hồn Sư Cô  sớm tiêu diêu miền cực lạc .
     Hội đồng hương Quảng Nam - Đà Nẵng (tại Bến Tre ) kính bái .




 * Đại diện đi viếng lễ tang :Vợ chồng Phạm Đạt Nhân , Lê Thế Linh , Đoàn Ngọc Sáng , Trần văn  Thọ ,Trần văn Đình , Lê Đình Lăng ,Phạm Thái , Lê Thanh Đức , Lê Đức Thu ( với sự hổ trợ phương tiện đi lại của gia đình anh Trần công Hội ).



Friday, August 10, 2012

Thơ Hạ Đình Thao

Một bài thơ rất cũ của anh Hạ Đình Thao ( Đại Lộc - Quảng Nam ) đăng trên báo Bách Khoa  , anh Phạm Đạt Nhân cắt và cất giữ đến bây giờ . Xin giới thiệu cùng các bạn.

                    Thư về Đại Lộc

                                     Thơ  Hạ Đình Thao

           con ở phương xa nhớ về quê nội 
           chắc mẹ buồn nhiều trong những đêm đông !
           nghĩ đến tuổi già , đời qua rất vội 
           nghĩ đến thằng con , lang thang ruổi dong  

           cũng muốn về thăm như từng mong đợi 
           nhớ lũy tre xanh , thương những con đường
            ngọt giọng à ơi ..khu nhà xóm núi
            nhịp chân vội vàng , những sớm tinh sương

            nhưng về làm gì ...ừ thôi , mẹ hiểu !
            gần nửa đời con , trên đường long đong 
            gần nửa đời con , chưa tròn manh chiếu
            như bây giờ ngồi chơi với tay không 

           con ngửa bàn tay , tự bàn tướng số
           đường đời thật dài , chắc sẽ sống lâu 
           chắc sẽ đổi thay , lẽ nào mãi khổ !
           hạnh phúc đường này , chắc sẽ đến mau 

           con mong ngày vui trở về thật sớm 
           để mẹ thôi buồn trong những đêm đông 
           con vẫn lòng tin như ngày mới lớn 
           nên còn miệt mài trên những ruổi dong 

                                                             Blao, 22-7-69   

Thursday, August 2, 2012

Lan man hồi ức về Hoàng Lộc

                                                                                                    Phạm Đạt Nhân

           Tôi với Hoàng Lộc không có duyên thơ cũng không là văn hữu song học chung trường và ở cùng quê ( Quảng Nam ) . Tôi đọc thơ anh , ngâm thơ anh nhiều hơn là những cuộc chuyện trò (bù khú ) cùng anh . Dường như anh cũng  không biết tôi vì học chung trường nhưng không chung lớp . Anh học trên tôi một lớp . Song tôi thì rất biết anh vì hồi đó anh đã nổi tiếng làm thơ hay từ những năm đầu của bậc Trung học . Xứ Quảng quê tôi là một xứ thơ ; nhiều nhà thơ nổi tiếng đã làm thơ hay từ nhỏ  như Bùi Giáng ; Hoàng Lộc ; Tường Linh ..vv..Tôi thích thơ Hoàng Lộc vì thơ anh trung thực với lòng mình ; đặc biệt là anh sử dụng ngôn ngữ thơ một cách linh hoạt tài tình nhẹ nhàng  như một anh chàng làm xiếc tung hứng tài ba .
       Vào những năm 1959- 1960 tôi từ Đại lộc xuống Hội An học trung học ở trường Trần Quý Cáp ; có một thời gian tôi ở trọ ở lò bánh mì bà Xứ gần miếu ông Cọp - Xóm Mới . Từ miếu ông Cọp có con đường mòn dẫn ra nghĩa địa Thanh Minh ( * )  và ngang nhiều chùa cổ như Phước Lâm , Long Tuyền ...Nhà của Hoàng Lộc ở cách chỗ tôi trọ không xa ; có những lần đi học tôi lẻo đẻo theo anh nhưng không dám làm quen với anh vì mặc cảm " học trò nhà quê thấy cức dê kêu thuốc tể thấy củ nghệ kêu củ gừng " ; hơn nữa lúc đó anh đã nổi tiếng thơ hay trong trường !. Nhớ lại hình ảnh  đó thiệt là giống y như một kẻ tình si vậy !! Dáng người anh cao dong dõng , mảnh khảnh , bước những bước khoan thai sang trọng ..Ôi!tựa như tôi thấy chàng Kim đang " lần bước dặm xanh " vậy !
  Thế hệ của chúng tôi hồi đó ít có người vào được Đại học . Bởi hết tú tài là phải vào quân trường :  " Chàng tuổi trẻ vốn dòng hào kiệt , xếp bút nghiên theo việc đao cung "
    Trong những năm tháng chinh chiến tôi vẫn đọc thơ anh trên các trang tạp chí nguyệt san , bán nguyệt san . Mặc cho khói lửa chiến tranh , văn học miền Nam thời đó vẫn trăm hoa đua nở về học thuật cũng như về sáng tác . Thật không công bằng và uổng phí khi loại bỏ dòng văn học từ 1954 đến 1975 ở miền Nam !
   Thơ Hoàng Lộc mãi mãi là thơ tình muôn thuở .Thơ tình Hoàng Lộc luôn có giọng đằm thắm bao dung độ lượng dù bị tình phụ . Mặc dù đôi khi nổi đóa chửi đổng song chỉ thống trách chứ không oán trách :
               "Bởi mười đứa là mười bất nghĩa 
                Như ta đây rồi sẽ lụy vì em "
       Trong suốt thời gian ở tù ( ** ) rồi ra tù thơ anh có giọng u uẩn về tình đời , tình người ..và ( thật là hiếm ) ...lại nghe anh  chửi ...đổng  :
                " Mồ tổ nhà em đồ bất nghĩa
                 Một năm hai tháng đã quên rồi 
                 Ta như con chó không buồn sủa 
                 Chỉ gầm gừ ngó cuộc tình trôi "
      Nhưng rồi anh cũng lắng lòng nhìn lại mọi chuyện , suy ngẫm cái lẽ vô thường , biến dịch mà chấp nhận đổi thay !.....

                   " anh từng mặc ca sa- bưng bình bát 
                      đi quanh cõi đời những được và thua 
                      một lần qua nhà em anh đứng lại
                       nghe nặng đôi tay , anh quay về chùa
                           mở bình bát ra 
                         trang thư tình em thơm ngát 
                         anh mới hay mình là đứa chân tu  "
                                                                                   ( khất thực )

      Có một số người cho rằng thơ Hoàng Lộc là thơ thất tình . Thật ra thơ Hoàng Lộc không phải là kiểu thơ thất tình của kẻ phàm phu mà là sự hụt hẫng , thất vọng trong tình đời , tình mộng . Nói theo cách nói của Xuân Diệu " Yêu rất nhiều mà chẳng nhận bao nhiêu ". Hoàng Lộc yêu đời , yêu cuộc sống , yêu lý tưởng , yêu cái nhan sắc diễm lệ trời ban của người thiếu nữ; yêu cái mỹ miều hiền thục của các giai nhân - mà giai nhân thường nan tái đắc  ( " người như em hồ dễ gặp hai lần " ). Không riêng gì Hoàng Lộc , các thi sĩ   đều có một trái tim yêu như thế . Về điều nầy thì nhà Bùi Giáng có một nhận định rất hay : " Người bình thường có thể cưới nhiều vợ mà yêu rất ít ; nhưng thi sĩ thì yêu rất nhiều mà vợ thì chỉ có một , có khi lại là  không " . Tình mộng nguy nga , nghĩa đời thành tựu là sự toàn bích là điều hướng lý tưởng mà ai cũng mong  đạt tới . Nhưng " Trải qua một cuộc bể dâu " ( Nguyễn Du ) ta khó tránh những chuyện đau lòng :
                    " Buổi đổi đời danh sĩ cũng lêu bêu
                     Hà huống chi ta một thằng say rượu" .
         Một  thân phận là một mãnh đời - với Hoàng Lộc là ...một xó đời !
             ......
            Xó đời ta ơi bút cùn mực nhạt  
            Em nhìn lui mới biết chuyện không đành
             Nhưng nếu chút lòng xưa em chẳng khác 
            Thì đọa đày ta dễ uổng thân xanh

              Trăm năm đó em vẫn là con sáo
             Thiếu gì đường bay mà phải qua sông 
             Tình đến thế mà lưng chừng em bỏ
             Đời thơ ta rồi cũng bỏ lưng chừng 

            Vẫn tin được em chưa hề bất nghĩa
            Ta ru ta bằng một tiếng thở dài
            Tình muốn lớn mà lòng em không thể 
            Đời phải buồn cho đủ những cơn say
                                                                   ( Từ xó đời ta )
 
   Em bất nghĩa mà " vẫn tin được em chưa hề bất nghĩa " . Bởi không phải tại em mà tại tình đời thay trắng đổi đen .
             Ta bức tóc giữa tang điền thương hải 
            Phải chi lòng em còn chỗ dung thân 
                                                                          ( Từ xó đời ta )

   Nhớ lúc trước hồi  tôi còn ở Đại Lộc  , một số anh em ở Đại lộc - Quảng Nam  yêu thơ Hoàng Lộc và rất khoái bài thơ " Về Hội An uống rượu đợi người " của anh nên thường  tập hợp nhau lại để cùng nhau bình  và túy lúy  ngâm bài thơ đó vô cùng thích thú   . Qua anh Thống ở Điện Bàn có lần chúng tôi mời được Hoàng Lộc lên Đại lộc chơi và hỏi anh một số từ còn hồ nghi trong bài thơ  . Tối hôm đó tại nhà của Nguyễn Giúp chúng tôi được thưởng thức một buổi tiệc thơ ấm cúng  do Hoàng Lộc thết đãi mà bây giờ tôi vẫn còn ao ước được thêm một lần lập lại ......Hoàng Lộc đọc cho chúng tôi nghe những bài thơ anh mới sáng tác . Anh vô cùng ngạc nhiên khi nghe tôi ngâm bài thơ " Về Hội An uống rượu đợi người " trong đó có một số từ ngữ bị ...tam sao thất bản ! Anh lại cũng rất khoái chí khi thấy thơ mình bị " xã hội hóa " và trở nên " toàn bích "  ( như một số anh em quyết chí khảng định )!

          Về Hội An uống rượu đợi người
     Đời nhỏ tưởng chừng dăm hớp rượu 
    Ô hay hồn đã chật hồn sầu 
    Ta kiếm quẩn quanh trời cố xứ 
    Hồng nhan hồng nhan ta chiêm bao 

    Nhớ em suốt cả mùa lưu viễn 
   Ta đây nào khác đứa cùng đường 
   Thế sự nhi nhô loài mắt trắng
    Ngựa què ta cũng mỏi tay cương 


    Nhớ em từ độ trăng tròn khuyết
    Quán cuồng hào sĩ lệ rưng rưng
    Như ta há dễ một lần ta khóc ( mà khóc thật ) 
    Em hát liêu trai khúc nguyệt cầm 


   Về đây chợt nhớ Trường Giang rộng
    Ngựa cổ cười khinh mùa phong yên
    Du tử tài hoa anh lỡ vận 
   Rượu nồng đâu nỡ đợi tay em 


   Cố hương chừ mặc ta say khướt 
   Thôi trăng rồi cũng khuất đầu non
   Tình vụn như rượu nồng ta lỡ sặc
    Hồng nhan ơi em có thương giùm


     Năm 2003 tôi may mắn được đọc tập thơ " Qua mấy trời sương mưa" của Hoàng Lộc . Và một nỗi xúc cảm đã khiến tôi  cảm tác :
                          Đọc thơ Hoàng Lộc qua mấy trời sương mưa
    Đọc thơ anh tôi ngắm lại mình
    Về những tháng năm sách đèn nơi phố Hội 
   Những bạn bè bao lần rong phố
    Những cuộc tình si ngốc nghếch ngô nghê 


   Anh đã nóí giùm tôi mộng đời trai trẻ 
   Mộng ngày xanh khanh tướng công hầu
   Những ước mơ thư kiếm một thời
   Nhưng thương hải cũng hoài thương hải


   Mộng không thành về yêu " loài con gái"
  " Con gái con gung " bất nghĩa bất nghì 
   Chỉ còn rượu anh tợp vào túy lúy 
   Nói ngọng nói ngoa bù lu bù loa 


    Hoàng Lộc ơi ' con nai vàng ngơ ngác '
    Từng thu xưa thu chết lá thu vàng 
    Chừ đâu phải thời Xuân thu chiến quốc 
    Kẻ sĩ hàn nho môn khách ..đách ai mời !

    Mới đây đọc tập thơ " Cho dẫu phù vân " của anh tôi thấy thơ anh đã rất trầm lắng , càng  bao dung và độ lượng . Tuổi tác tuy có già  nhưng trái tim anh rất trẻ , vẫn còn tươi nguyên chuyện tình năm cũ ; vẫn thủy chung chắt chiu từng kỷ niệm . Giới trẻ ngày nay mấy ai đã yêu và làm thơ yêu đẹp như Hoàng Lộc ?!

( * ) nhạc sĩ La Hối đã an nghỉ tại đây
(**) Bị đi cải tạo

Monday, July 30, 2012

Thả neo an trú trong hiện tại


Thích Nhất Hạnh 
An trú trong hiện tại không có nghĩa là không nghĩ đến quá khứ hay hoạch định cho tương lai, mà đơn giản là KHÔNG ĐÁNH MẤT MÌNH TRONG NHỮNG LO LẮNG VỀ TƯƠNG LAI HAY TIẾC THƯƠNG QUÁ KHỨ.
Nếu an trú vững chãi trong hiện tại thì quá khứ sẽ là một đối tượng để quán chiếu, đối tượng của niệm và định. Qúa khứ có thể mang lại nhiều tuệ giáctrong khi ta vẫn an trú trong hiện tại.
Hơn nữa, quá khứ vẫn có đó trong hiện tại. Hạnh phúc hay đau khổ của quá khứ vẫn còn đó, sống động. Trong quá khứ ta đã lầm lỗi vì thiếu chánh niệm và gây đau khổ cho bản thân hay cho người ta thương yêu. Người ta cho rằng không thể nào trở về quá khứ để sữa chữa lỗi lầm, nhưng với chánh niệm ta vẫn có thể trở về quá khứ đễ sửa chữa lỗi lầm vì QUÁ KHỨ CÓ MẶT TRONG HIỆN TẠI. Gỉa sử bạn đã không dễ thương với bà nội và đã làm cho nội đau khổ. Bây giờ hối hận vì nội đã qua đời và bạn không còn cơ hội để xin lỗi nội. Nếu tìm hiểu cho xâu xa thì bạn sẽ thấy rằng NỘI VẪN CÒN ĐÓ TRONG BẠN, TRONG TỪNG TẾ BÀO CƠ THỂ BẠN. Thở vào, bạn nói với nội :"Nội ơi, con biết nội vẫn còn đó trong từng tế bào của con." Thở ra, bạn nói:"Con xin lỗi nội." Rồi bạn quyết định là sẽ dễ thương hơn, quan tâm chăm sóc đối với những người thương yêu của bạn. Rồi bạn sẽ thấy nội đang mỉm cười với bạn. Vết thương lòng của bạn sẽ được hàn gắn. Đây là một thực tập rất mầu nhiệm vì quá khứ vẫn còn đó cho ta. Nếu quán chiếu sâu sắc ta sẽ học được rất nhiều từ quá khứ và chữa trị được rất nhiều thương tích từ quá khứ. Chánh niệm về quá khứ rất khác với bị đau buồn, tiếc nuối lôi kéo.
Cũng vậy, khi an trú trong hiện tại., ta có thể đem tương lai về với hiện tại như là một đối tượng quán chiếu, và ta có thể đạt được nhiều tuệ giác. Tuệ giác và quán chiếu về tương lai khác với những lo sợ bấp bênh về tương lai, vốn có thể làm ta phân tâm. Nếu cứ mải lo lắng và sợ hãi cho tương lai, ta sẽ đánh mất thì giờ và lãng phí cuộc sống. Cứ lo sao cho được thành công để rồi lại bị ám ảnh vì lo âu thì ta không thể suy nghĩ cho hữu hiệu. Lo lắng tương lai không giúp được gì.
Thật ra, TƯƠNG LAI ĐƯỢC LÀM BẰNG CHÍNH HIỆN TẠI. Chăm sóc hiện tại cho thật đàng hoàng tức là đã làm hết sức mình để bảo đảm một tương lai tốt đẹp. Khi phung phí năng lượng cho sợ hãi, bức xúc, tuyệt vọng, lo âu, ta sẽ làm hỏng cả quá khứ lẫn tương lai.
Ta có quyền sắp đặt tương lai, nhưng trước hết là phải buông xả và thả neo an trú trong hiện tại, phải an trú trong hiện tại mới có thể sắp đặt tương lai hữu hiệu. Nếu có lo thì hãy lo sao cho thật vững vàng trong hiện tại để có thể hoạch định cho tương lai với tất cả khéo léo.

Monday, July 23, 2012

Sòng phẳng


                                                                                 Công bằng hay sòng phẳng


imageỞ làng quê Việt Nam ngày xưa, khi làm mùa vụ, người nông dân có thể nhờ vài người trong thôn xóm đến phụ giúp mà không phải trả tiền. Chỉ cần đến phiên bên kia làm mùa, hay sửa sang nhà cửa, hoặc bất cứ công việc nặng nhọc nào đó thì bên này sẽ qua phụ giúp lại. Cái đó gọi là vần công. Cách thức này thật hay, tuy người ta căn cứ trên số buổi hay số ngày làm để quy định mức công bằng, nhưng họ lại không khắt khe phân biệt về năng lực làm việc của mỗi người. Thí dụ khi đang làm trả công mà ta bị bệnh hay gia đình có việc khẩn cấp nên ta phải ngưng làm thì họ vẫn châm chước, vẫn tính tròn phần công cho ta. Ngược lại, khi mùa màng thất bát nên họ không đủ sức trả công cho ta thì ta vẫn vui vẻ chờ đến những mùa vụ sau, thậm chí cũng có thể miễn cho họ luôn cũng được. Chủ yếu là tấm lòng đối với nhau. Người dân quê hiểu rằng sự trao đổi ấy chỉ có tính tương đối, không phải hễ người kia giúp mình và mình giúp lại là trả xong hết. Cái tình cái nghĩa vẫn còn đó, không bao giờ trả hết được.
       Thời đại văn minh bây giờ người ta quan niệm về sự công bằng rất lạ lùng. Khi một người nào đó tận tình hướng dẫn ta vào nghề trong những bước đầu với nhiều bỡ ngỡ, đã từng tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho ta trong công việc làm ăn, hay từng chia sẻ trong những lúc ta gặp nguy khốn… thì ta lập tức tặng cho họ một món quà đắt tiền, hay mời họ đi ăn trong một nhà hàng sang trọng là coi như đã trả xong, không ai nợ ai nữa. Nhưng nếu người kia đã từng giúp đỡ ta một cách không vụ lợi, bằng tất cả tấm chân tình, mà ta lại xem nó ngang bằng với những món vật chất vô tri kia thì đừng hỏi tại sao họ lại bị tổn thương. Thà ta không làm như thế còn hơn, vì họ nghĩ ta vẫn luôn gìn giữ ân nghĩa ấy trong lòng. Món quà hay bữa ăn đó sẽ được vui vẻ chấp nhận nếu họ thấy được ý nghĩa của nó trong suy nghĩ và thái độ của ta. Có người cho rằng như vậy là không sòng phẳng. Nhưng họ vẫn chấp nhận được dù mãi sau này ta vẫn không có cơ hội để bù đắp thêm, bởi vì họ đã không có chủ trương trao đổi công bằng ngay từ buổi đầu, nói chi là sòng phẳng.
Ý niệm sòng phẳng thường dễ bị nhầm lẫn với công bằng. Anh được một và tôi cũng được một, hay anh cho tôi hai thì tôi cho anh hai, đó là công bằng. Nhưng còn tùy vào mỗi xã hội và thời đại mà quy luật công bằng thể hiện khác nhau. Sự công bằng thường được quy định trên mức cảm xúc, cho nên có khi người ta tự quy định mức công bằng nếu hai bên tự thỏa thuận trị giá tương xứng giữa vật trao đổi mà không cần tuân theo quy ước chung của cộng đồng. Thí dụ một trái bí đao có thể đổi với hai trái mướp đắng, một chuyến đò ngang có thể đổi với sáu câu vọng cổ, một bức tranh có thể đổi lấy mười bầu rượu, một lời hứa chân tình có thể đổi lấy ba trăm sáu mươi lăm ngày chờ đợi. Tuy sự trao đổi ấy được coi là công bằng, nhưng đôi bên đều ngầm hiểu người kia vì cảm tình mới chấp nhận trao đổi như vậy, nên khi nào có cơ hội thì mình sẽ bù đắp thêm. Trong khi sòng phẳng là loại bỏ ý niệm muốn bù đắp, như thế là đủ, chấm hết.
        Dĩ nhiên trong thương trường rộng lớn, người ta cần phải có sự rành mạch về những trị giá vật chất để trao đổi, nên đã thiết lập ra chế độ tiền tệ để đơn giản hóa và mở rộng thương mại. Và vì thế sự sòng phẳng đã vô tình trở thành quy luật tất yếu. Nhưng biết bao công lao khổ nhọc mới làm ra được bát cơm trắng tinh mà chỉ đổi ngang với vài đồng bạc thừa thì không thể gọi là công bằng. Sòng phẳng lại càng phi lý. Nên nhớ, sự trao đổi không bao giờ là tuyệt đối, tất cả chỉ là ước lệ. Cho nên người ta đã sai lầm khi cho rằng sự thảnh thơi, thật thà hay nhường nhịn là những yếu tố nguy hại đến kinh tế và cần phải loại trừ, nên họ gọi đó là “phi kinh tế“. Bởi trong nguyên tắc vận hành tự nhiên của vũ trụ, mọi sự mọi vật đều không ngừng nương tựa vào nhau để tồn tại, vì thế sự biệt lập và sòng phẳng sẽ không bao giờ xảy ra, dù con người có cố tình nhồi nặn ra nó để phục vụ cho quyền lợi ích kỷ của mình.
             Làm sao trả hết những ân tình?
      Có những người con thấy mình đã làm tròn bổn phận khi mỗi tháng chu cấp đầy đủ thực phẩm và thuốc men, hoặc mua được căn nhà khang trang cho cha mẹ. Nên khi cha mẹ cần họ thường xuyên lui tới, hay giúp đỡ vài việc vặt vãnh, thì họ lại than phiền tại sao họ phải làm quá nhiều như thế. “Cha mẹ thương con biển hồ lai láng. Con nuôi cha mẹ tính tháng tính ngày”, hai câu ca dao ấy luôn là thực trạng đau lòng trong bất cứ thời đại nào, nhất là hiện nay.
      Khi người ta bị cuốn vào hấp dẫn lực của danh vọng, họ dễ dàng coi nhẹ hay gạt bỏ những yếu tố khác mà họ cho là bất lợi. Nhưng được thương yêu và chăm sóc cha mẹ không phải là một quyền lợi sao? Chẳng phải có biết bao kẻ mồ côi trong thế gian này rất thèm có cha mẹ để được thương yêu và chăm sóc, dù phải đánh đổi bất cứ thứ gì thì họ cũng sẵn sàng chấp nhận. Chắc là phải đợi đến khi ta có con, phải hy sinh vất vả trăm bề, nhất là khi con ta đau yếu hay ngỗ nghịch thì ta mới thấm thía hết ân tình của cha mẹ dành cho ta, mới thấy ý niệm “trả xong nợ nần” đấng sinh thành là dại dột.
        Trong liên hệ hôn nhân cũng vậy, ta cũng muốn có sự sòng phẳng để ta có cảm giác không bị lợi dụng hay hy sinh một cách vô nghĩa. Tôi làm cái này thì anh phải làm cái kia; tôi trả tiền rồi nên bây giờ tới phiên em; tại sao tôi phải lo nhiều thứ còn anh suốt ngày cứ phè phỡn; em chỉ biết lo cho gia đình của em thì đừng trách anh bỏ bê công việc nhà; anh mà làm khổ tôi thì tôi sẽ làm khổ anh... Vì thế, khi hôn nhân đổ vỡ người ta mau chóng xem nhau như hai kẻ xa lạ, không cần biết tới sự khó khăn hiện tại của nhau; họ từng yêu nhau thắm thiết rồi bỗng trở thành thù ghét nhau, không muốn nhìn nhau dù vô tình gặp mặt; họ còn dám lên mặt báo để bôi nhọ danh dự hay đơm đặt những điều gây bất lợi cho nhau; và điều đau lòng nhất là khi phân chia tài sản thì họ luôn đòi hỏi sự rạch ròi, sòng phẳng. Bao năm tình nghĩa vợ chồng phút chốc bỗng tan thành mây khói khi ai nấy đều muốn tranh giành phần lợi, phần phải, phần thắng về mình.
      Tất cả những phản ứng trên đều thể hiện sự ích kỷ hẹp hòi chứ không phải là sự công bằng. Tài sản thì có thể phân chia đồng đều, nhưng ân tình làm sao đong đếm được mà phân chia? Tuy chuyện tình đã đi vào đoạn kết, nhưng dù muốn dù không thì tất cả những gì ta đã cho nhau sẽ theo nhau mãi suốt đời. Và khi ta còn nợ quá nhiều ân tình với người này thì chắc chắn ta sẽ phải trả cho người khác. Bởi tất cả đều nằm trong vòng nhân quả hiển nhiên xưa nay của trời đất mà không ai có thể chạy thoát.
        Chiếc lá không bao giờ nghĩ rằng nó có thể trả hết nợ ân tình của cây khi nó đã hết lòng hấp thụ ánh nắng mặt trời để khổ công tinh chế nhựa thô thành nhựa luyện cho cây. Vì chiếc lá đã quan sát và thấy được sự thật là nó chưa bao giờ ngừng tiếp nhận tình thương yêu của cây. Dù cây có già cỗi nhưng cây cũng vẫn cố gắng cắm sâu những chiếc rễ xuống lòng đất để hút chất khoáng về nuôi chiếc lá. Giả sử chiếc lá có trả được ân tình của cây thì nó cũng không thể nào trả hết nổi ân tình của mặt trời, gió, nước, khoáng chất, phân hữu cơ, côn trùng và cả vạn vật chung quanh. Vì tất cả những yếu tố ấy có vẻ như ở ngoài chiếc lá nhưng chúng đang từng giờ từng phút nuôi dưỡng chiếc lá. Chiếc lá chỉ còn cách sống sao cho trọn kiếp sống, sống cho thật dễ thương và làm tốt trách nhiệm của mình.
       Ta có khác gì chiếc lá, cũng không bao giờ trả nổi những ân tình mà cuộc đời này đã trao tặng cho ta, bằng trực tiếp hay gián tiếp.
        Thế nhưng, tại sao ta cứ mãi than phiền và đòi hỏi cuộc đời mà có bao giờ ta tự hỏi đời cần gì nơi ta?
                     Như dòng sông trôi mãi
                    Luôn chở nặng phù sa
                    Có bao giờ em hỏi
                    Đời cần gì nơi ta?
                      Minh Niệm

Friday, July 20, 2012

Hoàng Lộc : Gửi Quảng Bến Tre

17 Jul, 2012

— Viết bởi hoangloc @ 02:57

gửi Quảng-Bến-Tre
          
alt                         
                * tặng hội Quảng mấy chục mạng...

dân Quảng Nam đi đâu cũng ưa lập hội ?
đi đâu cũng cứ nối tình quê ?
hội thơ Bảy Hiền - hội Quảng (hàng mấy ngàn người) ở Cali,
                                      Boston, Atlanta, Dallas...
sao anh cứ nao lòng vì em Quảng... Bến Tre ?

7-12


hoàng lộc

Wednesday, June 20, 2012

Tình đồng hương

       Có một đồng hương
       tật nguyền thương tích
       cô đơn nghèo nàn
       hoàn cảnh thiệt ... thương !!




       Nhiều bàn tay nhỏ
       chung một tấm lòng
       thương người bạn khổ
       cùng là đồng hương

       Bàn tay anh mất
       Bàn tay tôi còn
       ...Không hề ngăn trở
       Mình cùng cầm  tay...

                  Lệ vui khóe mắt :
                  Một niềm hạnh phúc
                   lộ trên gương mặt
                  đã lâu... không cười



       Ven con đường về
       nhiều cành hoa trổ
       cháy đỏ hết mình...
       Đậm   tình đồng hương 
                             Tieudao                                       
                             


                                                                                                         

                                                                                         
            

Monday, June 18, 2012

Chuyến đi Thạnh Phú mừng nhà mới "tình đồng hương"


   Vào lần họp mặt trước ( 31/ 3/ 12 ) anh Công Hội , một doanh nghiệp tư nhân cũng là thành viên của hội Đồng hương Quảng Nam tại Bến Tre có tặng cho anh Hà văn Thẩm 20 triệu đồng để cất nhà .Vừa rồi , anh Thẩm đã báo cho anh em biết là đã làm nhà xong và anh em trong hội đã thông báo cho nhau cùng xuống để thăm nhà mới của anh Thẩm .  Số anh em tham gia chuyến đi gồm có :anh Công Hội ,  anh Hà Hương , anh Khoa Chiến ,anh Đức Thu , anh Hà Hưng , anh  Đình Lăng , anh chị Thế Linh , anh chị Đạt Nhân .
   7giờ 30 sáng chủ nhật ( 17/ 06 ) hai chiếc ô tô ( của anh Công Hội và anh ĐứcThu ) cùng chở anh em về An Điền ( Thạnh Phú ) .


  Trên đường đi , anh Khoa Chiến ( cũng là phóng viên báo Thanh Niên ) muốn xác lập lại danh nghĩa tặng nhà cho đồng hương nầy . Mọi người đều đồng ý ghi : doanh nghiệp tư nhân Công Hội cùng hội đồng hương QN tặng nhà cho anh Thẩm .Anh Thẩm là thành viên thứ 26 của hội đh QN tại  BT . Trong chiến tranh , anh Thẩm bị mất hai tay và một chân . Anh không có vợ con và làm ông từ giữ miếu của làng .

  Đón tiếp anh em chúng tôi  có đại diện của chính quyền địa phương : anh Trần huy Phượng chủ tịch xã , anh trưởng ấp Nguyễn văn Phong . Có cả ông Út Thép là chủ tịch hội khuyến học kiêm bảo trợ trẻ mồ côi , người tàn tật ...cũng đến  .
   Ông chủ tịch xã cũng như ông Út Thép đều có lời cảm ơn anh em đồng hương . Thay mặt đồng hương anh Đạt Nhân cũng có lời đáp từ .
   Sau cùng anh Thẩm đã đọc một bài viết cảm ơn thâm tình của anh em thật là xúc động .

Một bửa cơm ấm cúng gồm những món đặc sản rặt  miền quê An Điền ( Thạnh Phú ) : Ba khía xào me , ba khía trộn khế tỏi ớt , móng tay luộc , chình xào lá cách,... đã được các chị em ,bà con trong xóm...đến nhà giúp anh Thẩm chuẩn bị từ sáng sớm...
                 Thật là ấm áp tình người !
                Thật là mặn mà  tình đồng hương !

  Mời các anh chị em xem vài hình ảnh ghi lại  chuyến đi :

Tập họp tại nhà hàng Phương Thảo

Thăm mộ chị Bạch Thủy ( vợ anh Công Hội )
Xe Công Hội khởi hành !
Chờ xe anh Thu  ở ngả ba Bình Phú

Tại quán nước anh em bàn bạc về danh nghĩa căn nhà " tình đồng hương "


Anh Phượng chào mừng anh em đồng hương đã tới mừng nhà mới của anh Thẩm
Anh Đạt Nhân thay mặt anh em trao quà mừng
Quà của anh Công Hội  tặng  cho anh Thẩm
Anh Thẩm bộc bạch chân tình cảm ơn anh em làm ai cũng xúc động
Anh Út Thép cũng có lời cảm ơn anh em đồng hương QN tại Bến Tre


Anh Khoa Chiến ghi hình lưu niệm 
Bửa cơm dân dã khó tìm !
Từ giã An Điền , giã từ Thạnh Phú ...

Sáng nay có một bản tin ...

Friday, May 25, 2012

Ý nghĩa linh phù Linga - Yoni


                                                                                                                  Phạm Đạt Nhân
đền chính thờ Linga-Yoni (Mỹ Sơn , Quảng Nam )
    Bảy mươi bảy kiến trúc ở trung tâm Mỹ Sơn ( Quảng Nam ) đều là những điện thờ và tháp phụ thuộc . Đền cổ nhất thờ Linga-Yoni đựoc dựng lên từ đời vua Bradravarman khoảng năm 400 sau công nguyên . Hiện nay quần thể tháp Mỹ Sơn được Unessco công nhận là di sản văn hóa thế giới . Nhiều người nước ngoài nhất là người phương Tây đổ xô đến đây tham quan nghiên cứu về nghệ thuật điêu khắc , kiến trúc , tôn giáo , tín ngưỡng ...Mỹ Sơn đã trở nên địa chỉ du lịch lý tưởng ( đối với người nước ngoài ) . Nhưng với người bản địa thì còn rất thờ ơ , coi thường ; thậm chí còn có người cho đó là cái lò gạch bỏ hoang - có người  lại còn xuyên tạc ý nghĩa của linh phù Linga -Yoni ..Ngay cả thời trước , Dương văn An , một nho sĩ thời Lê Mạc cũng đã phê bình tín ngưỡng dân bản xứ đất Thuận Hóa  ( Quảng Nam ) thờ linh phù Linga - Yoni một cách nặng nề : " Tục người bản xứ chưa hiểu biết , lấy dâm dật để thờ thần , sao mà chúng mê lầm lắm thay !" ( Cựu tục thể bất tri dĩ dâm vật sự thần , hà kỳ vọng ngộ tai ! ) -theo Ô Châu cận lục - Nho sĩ thời xưa thâm thúy là vậy mà còn hiểu sai ý nghĩa của linh phù huống chi chúng ta ngày nay !
    Người viết bài này muốn cung cấp cho bạn đọc Quảng Nam một vài tư liệu lịch sử để có những hiểu biết đúng đắn về linh phù Linga - Yoni .; từ đó có lòng tự hào đúng mức về di sản văn hóa của tỉnh nhà mà cũng là của cả thế giới .
   Theo René Grousset trong "Lịch sử Viễn đông " ( Histoire de l'Extrême orient 1929 ) thì lịch sử Chiêm Thành bắt đầu từ thế kỷ thứ III sau công nguyên . Lúc bấy giờ dân tộc Chăm đã bị Ấn Độ hóa cả rồi .Triều đại Chiêm dòng dõi chính là thần Siva danh hiệu Fan ( IE ). Nhiều vị vua Chiêm đã từng hành hương sang đất thánh sông Hằng ( Ấn Độ ) . Tôn giáo chính của họ là đạo Siva ( Thiện thần ) Ngoài ra họ cũng sùng bái đạo Phật . Cũng theo tài liệu đã dẫn vua Chiêm Indravarman II đã cho kiến thiết một ngôi chùa thờ Bồ Tát Quan Âm ở Quảng Nam . Qua những dữ kiện lịch sử đó ta thấy văn hóa Chiêm Thành thuộc khu vực Ấn Độ giáo hay Bà La Môn giáo đều là tôn giáo vạn hữu thần linh mà  mỗi vị thần là một quyền - năng - thiên - nhiên - biểu - hiện . Nền văn hóa nầy được du nhập vào Việt Nam bằng đường thủy từ Tích Lan , Miến Điện ...Các sử gia gọi nền văn hóa nầy là nền văn hóa Trung Ấn  . Trên bối cảnh văn hóa đó , linh phù Linga-Yoni được thờ ở điện thờ chính  .Còn các tháp phụ thuộc có ý nghĩa như thế nào ?
Linh phù Linga-Yoni ( Mỹ Sơn , Quảng Nam )
    Quần thể tháp Mỹ Sơn là công trình kiến trúc của dân tộc Chiêm . Bất cứ tác phẩm nghệ thuật nào cũng khởi đi từ cảm hứng tập thể . Bởi con người không thể sống riêng lẽ mà sống trong tập đoàn , xã hội trong mỗi khu vực và trong từng thời đại . Kinh nghiệm cho thấy những nghệ phẩm kiệt xuất thường xuất phát từ nguồn cảm hứng vô thức , nói theo thuật ngữ của nhà phân tâm Carl Jung thì đó là vô thức tập thể . Tháp Mỹ Sơn , chùa Một Cột không ngoài thông lệ ấy  . VÌ VẬY KHI NGHIÊN CỨU MỘT CÔNG TRÌNH NGHỆ THUẬT , TA PHẢI ĐẶT NGHỆ PHẨM ẤY TRONG MỘT CƠ CẤU TOÀN CỤC CỦA MỘT NỀN VĂN HÓA ( CHÍNH TRỊ , XÃ HỘI HỌC THUẬT , TÔN GIÁO ..). Nước Việt Nam ta có một hoàn cảnh địa lý khá đặc biệt , đó là ngã tư của nhiều dân tộc và nhiều nền văn hóa .Tháp Mỹ Sơn là biểu tượng tổng hợp của những dân tộc khu vực Trung Ấn . Tôn giáo của người Chăm là vạn hữu thần linh , mỗi một vị thần là một quyền năng thiên nhiên biểu hiện .Thiên nhiên mà dân tộc Chàm tin thờ chẳng qua là tượng trưng , vượt ra khỏi những hiểu biết của con người . .Đó chính là lực lượng siêu nhiên hay thực tại tuyệt đối gọi là Pháp Vĩnh Cửu .  Pháp vĩnh cửu của dân tộc Chăm là Siva , nguồn sống vô tận , vừa là khởi thủy vừa là chung cục của thế giới vạn vật sinh sinh hóa hóa vô cùng . Nguồn sống vĩnh cữu ấy có khả năng phân hóa ra làm hai cực : âm và dương . Sự phối hợp giữa âm và dương qua linh phù Linga - Yoni là biểu tượng cho cuộc HÔN PHỐI SÁNG TẠO SINH THÀNH VŨ TRỤ .
   Linga - Yoni không riêng gì của dân tộc Chăm mà còn là tục thờ tối cổ của nhân dân miền Indochina . . Nó miêu tả lòng tín ngưỡng thâm sâu vào nguồn cảm hứng vĩnh cửu của của một xã hội nông nghiệp làm nghề lúa nước . . Ở Tây Tạng cũng có phù hiệu ' yab - yum' tượng trưng sự phối hợp hai phương diện của vũ trụ , năng lực sáng tạo của âm dương .
      Thuyết âm dương hay đạo âm dương cũng là đạo Khổng Nho theo công thức trời tròn đất vuông ( thiên viên địa phương ) ; phong tục người Việt Nam làm bánh chưng bánh dày trong ngày Tết cổ truyền để cúng tổ tiên xuất phát từ ý tưởng vuông tròn của trời đất vũ trụ . . Lão giáo cũng lấy thuyết âm dương làm nguyên lý sinh thành và điều động của vạn vật  : " vạn vật phụ âm nhi bảo dương , sung khí dĩ vi hòa " ( tạo vật cõng khí âm mà ôm khí dương , hai khí hợp nhất tạo ra sự hòa điệu ).
Chùa Một Cột xưa
   Rõ ràng linh phù Linga - Yoni  là biểu tượng tổng hợp vô thức tập thể của các nguồn tư tưởng Ấn - Hoa  và kết hợp liên thông với tín ngưỡng bình dân và Nguyên lý Mẫu . Nguyên lý Mẫu hay tín ngưỡng về Đức Mẫu là nguyên lý sinh thành dưỡng dục rất phổ biến trong các xã hội nông nghiệp theo chủ nghĩa phồn thực . Ví dụ người Chăm thờ Thánh Mẫu Thiên Yana ở Tháp Bà Nha Trang  thờ Bà Cữu Thiên Huyền Nữ ở chùa Thập Pháp Bình Định ; thờ Bồ Tát Quan Âm tại chùa Quan Âm ở Quảng Nam .Người Việt Nam thờ Bà Chúa Liễu Hạnh . Câu chuyện về bà Ỷ Lan đời Lý cũng xuất phát từ việc tôn thờ nguyên lý Mẫu . Vua Lý Thánh Tông đi chinh phạt Chiêm Thành dài ngày không phân thắng bại bèn rút quân về . Trên đường về nghe tin Ỷ Lan thay mình trị nước , trên dưới đề huề , được dân chúng tôn vinh , vua lấy làm xấu hổ : " đàn bà mà như thế , ta là bậc trượng phu ,lẽ nào lại thua kém ư ? " Vua bèn quay lại trận tiền và dẹp yên giặc Chiêm . Trở về vua phong cho Ỷ Lan " Thần Phi Phu Nhân ". Còn dân chúng thì tôn bà là Quan Âm nữ  .Hiện nay ở Bắc Ninh , trên núi Giạm , cạnh ngôi chùa Hàn Long có đền thờ Quan Âm nữ .
   Có một sự trùng hợp thú vị giữa linh phù Linga - Yoni  và chùa Một Cột - được xây dựng và trùng tu dưới thời nhà Lý ( 1049 ). Lối kiến trúc của ngôi chùa độc đáo này cũng giống như hình ảnh của linh phù Linga - Yoni : ( một cái điện nhỏ bằng gỗ lợp ngói mái cong ) xây trên một cột đá lớn đứng vững chải giữa cái hồ vuông . Chùa có tên chữ là là nhất trụ tự được xây dựng từ một giấc mơ của Lý Thái Tông . Sử ký toàn thư của Ngô sĩ Liên viết : ' Năm 1048 dựng chùa Diên Hựu tức chùa Một Cột . Nguyên vua mộng thấy Phật bà Quan Âm ngồi trên đài sen ,dắt vua lên đài . Lúc tỉnh vua kể chuyện lại , triều thần cho là điềm gở . Sư Thiền Tuệ khuyên xây chùa , dựng cột đá giữa hồ , đặt đài sen có tượng quan âm ở trên , như đã thấy ở trong mộng ...'( Đại Việt sử ký toàn thư quyển II trang 37 ).Đến đời Lý Thánh Tông sau khi Nam chinh thắng trận trở về vua cho trùng tu lại chùa Một Cột xây thêm lầu chuông và hoa sen có tên chữ là Độc Trụ Lục Giác Liên Hoa Chung Lâu . Chùa còn có tên là Diên Hựu có nghĩa là dài lâu giòng giống .

  Tóm lại , nếu nhìn một cách phiến diện như nhà nho Dương văn An cho rằng Linga - Yoni là dâm vật đem thờ thần thì là chưa hiểu biết , là mê lầm ;nhưng nhìn một cách tổng quan thì linh phù Linga - Yoni là biểu tượng của sự sinh thành trong vũ trụ . Đạo phải có sự hòa hợp âm dương ( nhất âm nhất dương chi vị đạo ) . Ăn uống và làm tình  là chuyện bình thường để sống và duy trì nòi giống .Tuy vậy cái ăn được nhiều người nói đến như một văn hóa ẩm thực còn chuyện  làm tình  thì xem như úy kỵ .Vấn đề là cần nhận thức được chuyện làm tình   ...sao cho hợp với luân thường và đạo lý . 


hình ảnh linh phù Linga-Yoni và chùa Một Cột lấy từ internet