Tuesday, May 14, 2013

Tình quê trong tô mì Quảng

                                                           Phạm Đạt Nhân 


Nguyên Âm , một thi sĩ   Quảng Nam vào Sài Gòn để dự họp mặt đồng hương . Bửa tiệc được tổ chức tại nhà hàng mì Quảng Mỹ Sơn ( số 7 , Kỳ Đồng , quận 3 , Sài Gòn ) . Trong bửa tiệc ,Nguyên Âm xuất khẩu thành thơ một bài thơ tám câu bảy chữ  : 
 Mì Quảng Mỹ Sơn như tiếng đồn 
Mới nghe vị giác đã thấy ngon
Dân dã đậm đà hương đất Quảng
 Xa quê giữ mãi tấm lòng son
Mì Quảng vào đây gốc Mỹ Sơn
Bà con ăn thử món nào hơn
 
Hồn quê chan chứa trong tô đấy 
 Cầm đũa mà lua sướng đã người  
 
Bài thơ được xuất bản mồm ngay tại nhà hàng và được chủ quán xin ngay bản quyền .Bài thơ có phong cách giọng điệu ngôn từ rất Quảng Nam . Mở đầu bài thơ là hai câu đề giới thiệu gốc gác cũng như  danh tiếng của nhà hàng nầy :
Mì Quảng Mỹ Sơn như tiếng đồn 
Mới nghe vị giác  đã thâý ngon   
Ai đã từng đi du lịch Quảng Nam đều không thể bỏ sót hai điểm đến lý tưởng là phố cổ Hội An và thánh địa  Mỹ Sơn . Hóa ra chủ nhà hàng nầy là người Duy Xuyên , Quảng Nam vào Sài Gòn sinh sống  và muốn giữ hồn quê trong tô mì Quảng cho những người con xứ Quảng xa quê .Nhà hàng nầy trở thành thương hiệu nổi tiếng từ lâu nên mới nghe đến tên là " vị giác  đã thâý ngon  " . Ngon ở đây chẳng phải do sức hấp dẫn của một món ăn lạ mà chỉ vì mì Quảng là một món ăn rất quen thuộc của người dân xứ Quảng .Người Quảng xa quê mỗi khi nghe  có ai nhắc đến món ăn nầy đã thấy thèm , huống chi nghe danh một nhà hàng mì Quảng nổi tiếng . Từ ngon đầy ắp tình quê hương - như nhạc sỹ Trần Quế Sơn đã nói về Quảng Nam trong bài " Tình Quê " : "...thương mía đường thơm , tô mì gạo mới ...". Mỗi người  khi xa quê nhớ về quê mỗi kiểu tùy thuộc vào những kỷ niệm từng có nơi quê nhà . Với Bàng Bá Lân thì :
" Anh đi anh nhớ quê nhà ,
Nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương "
 Còn Tế Hanh thì : "tôi thấy nhớ cái mùi nồng mặn quá " ở làng chài Quảng Ngãi . Phải chăng cái nồng mặn ấy là mùi của nắng , của cát , của gió , của nước biển lẫn với mùi mồ hôi lao động của trai tráng làng chài .Xa quê ta nhớ cái mùi quê hương . Xa tình ta nhớ hơi hướng người tình . Cái mùi tình đó phải chăng là những kỷ niệm một thời bên nhau . Những kỷ niệm đó được đánh thức trong hiện tại bằng một làn hương ,  một âm thanh , một sắc màu , một mùi vị : 
Áo nàng vàng anh về yêu hoa cúc 
Áo nàng xanh anh mến lá sân trường ( Nguyên Sa ) .
Cụ Nguyễn Du nói không hề sai : Hương gây mùi nhớ , trà khan giọng tình . Chính cái mùi hương dĩ vãng ấy mà ông vua đa tình Tự Đức đã muốn :
 "Đập vỡ kính ra tìm lấy bóng 
  Xếp tàn y lại để dành hơi " 
Tác giả Nguyên Âm đã cũng phái đoàn huyện ủy vào Sài Gòn để dự "họp mặt đồng  hương Quảng Nam " . Anh được bạn đồng hương tại Sài Gòn đưa đi ăn mì Quảng ( đây chính là cái cách thể hiện  tình quê của anh em đồng hương ở xa quê ). Chỉ mới nghe đến mì Quảng đã thấy dịch vị tiết ra rồi . Đây phải chăng là độ nhạy bén của người dân đất Quảng chưa mưa đà thấm , chưa nhắm đà say ...-  Không phải ngon vì vị ngon của thực phẩm mà vì hồn quê chan chứa .
  
 Dân dã đậm đà hương đất Quảng
 Xa quê giữ mãi tấm lòng son 

Mì Quảng là món ăn  vừa dân dã vừa dậm đà hương vị quê hương ; nhưng nếu ai không từng ăn mì Quảng thì sẽ không hiểu hết ý nghĩa của cụm từ "  dân dã đậm đà " . 
 Sao gọi là dân dã ? 
Là vì các nguyên liệu làm ra tô mì Quảng rất dễ kiếm ở nông thôn . Nguyên liệu gần gũi nhất là gạo . Gạo xay  thành bột lõng rồi đem tráng lên trên một tấm vải đã được  bịt kín trên miệng một nồi nước sôi chụm bằng củi . Ngày xưa không có dịch vụ tráng bánh ; nhà nào cũng sắm được một cối xay bột , một nồi tráng bánh . 
Còn thế nào là đậm đà ? 
Đó là sự tương tác một cách hòa quyện giữa chất tinh bột của gạo , chất béo của dầu phụng khử nén  và đậu phụng rang giòn  , vị thơm của các loại rau phụ gia ( húng lủi  , ngò rí  ,quế , ...),vị cay nồng của ớt xanh ...Rau chính  dùng cho mì Quảng phải là cải con , búp chuối sứ  hoặc chuối cây non xắt thật mỏng .Đặc biệt ,ăn mì Quảng mà không có bánh tráng nướng kèm theo để tạo ra âm thanh giòn giã thì thật là thiếu 50 % sự ngon miệng . Ở Quảng Nam người ta ăn mì gần như ăn cơm bửa . Khách đến chơi : làm mì . Đám giỗ : làm mì cúng ông bà . Đãi thợ : làm mì .Con cháu về : làm mì ...
  Chính vì món ăn dân dã đậm đà gần gủi nên người Quảng Nam tha hương nào cũng nhớ đến tô mì Quảng .

 Mì Quảng vào đây gốc Mỹ Sơn
Bà con ăn thử món nào hơn

Dường như tác giả muốn tiếp thị món ăn của quê hương mình cho bà con xa gần rằng cứ ăn thử một lần thì sẽ biết ngay ; và tác giả xác định không có món nào ngon hơn nữa . Có lẽ chẳng ai phiền trách gì về  một  niềm tự hào  quá mức về quê hương mình của tác giả.
  
 Hồn quê chan chứa trong tô  đấy
Cầm đũa mà lua sướng đã người 

Câu thơ thô mộc ở cuối bài làm cho tô mì thêm phần nóng sốt . 
" Sướng đã người " cũng khiến cho ta cảm thấy "đã người " như vừa dùng xong một tô mì nóng hổi .Lão Hạc của Nam Cao đã nói với ông giáo một câu đầy chất triết luận : " Không nên trì hoãn sự sung sướng ".Ở đời có bốn cái sướng trong đó ăn là cái sướng đứng hàng đầu . Vấn đề là ăn cái gì , ăn với ai , ăn ở đâu , và ăn như thế nào cho sướng . Ăn một món ăn quê hương với người đồng hương nơi xứ lạ quê người thì chẳng " sướng đã người " hay sao . Nguyên Âm dùng từ lua thiệt là quá đã . Ăn cháo thì  húp , ăn cơm thì và ,ăn mì thì phải lua . 
 Lời thơ của nguyên Âm phát thực nhưng thâm trầm ý vị  . Ý thơ  bộc trực nhưng có chiều sâu lắng .Bài thơ  nầy là bài thơ đường hiếm thấy trong thơ của anh . Nó chỉ được xuất bản mồm song đã được nhanh chóng phổ biến rộng rãi trong anh em đồng hương Quảng Nam  .
     Phải chăng vì bài thơ chan chứa tình quê ( trong tô mì Quảng) .
 




No comments:

Post a Comment