Friday, May 25, 2012

Ý nghĩa linh phù Linga - Yoni


                                                                                                                  Phạm Đạt Nhân
đền chính thờ Linga-Yoni (Mỹ Sơn , Quảng Nam )
    Bảy mươi bảy kiến trúc ở trung tâm Mỹ Sơn ( Quảng Nam ) đều là những điện thờ và tháp phụ thuộc . Đền cổ nhất thờ Linga-Yoni đựoc dựng lên từ đời vua Bradravarman khoảng năm 400 sau công nguyên . Hiện nay quần thể tháp Mỹ Sơn được Unessco công nhận là di sản văn hóa thế giới . Nhiều người nước ngoài nhất là người phương Tây đổ xô đến đây tham quan nghiên cứu về nghệ thuật điêu khắc , kiến trúc , tôn giáo , tín ngưỡng ...Mỹ Sơn đã trở nên địa chỉ du lịch lý tưởng ( đối với người nước ngoài ) . Nhưng với người bản địa thì còn rất thờ ơ , coi thường ; thậm chí còn có người cho đó là cái lò gạch bỏ hoang - có người  lại còn xuyên tạc ý nghĩa của linh phù Linga -Yoni ..Ngay cả thời trước , Dương văn An , một nho sĩ thời Lê Mạc cũng đã phê bình tín ngưỡng dân bản xứ đất Thuận Hóa  ( Quảng Nam ) thờ linh phù Linga - Yoni một cách nặng nề : " Tục người bản xứ chưa hiểu biết , lấy dâm dật để thờ thần , sao mà chúng mê lầm lắm thay !" ( Cựu tục thể bất tri dĩ dâm vật sự thần , hà kỳ vọng ngộ tai ! ) -theo Ô Châu cận lục - Nho sĩ thời xưa thâm thúy là vậy mà còn hiểu sai ý nghĩa của linh phù huống chi chúng ta ngày nay !
    Người viết bài này muốn cung cấp cho bạn đọc Quảng Nam một vài tư liệu lịch sử để có những hiểu biết đúng đắn về linh phù Linga - Yoni .; từ đó có lòng tự hào đúng mức về di sản văn hóa của tỉnh nhà mà cũng là của cả thế giới .
   Theo René Grousset trong "Lịch sử Viễn đông " ( Histoire de l'Extrême orient 1929 ) thì lịch sử Chiêm Thành bắt đầu từ thế kỷ thứ III sau công nguyên . Lúc bấy giờ dân tộc Chăm đã bị Ấn Độ hóa cả rồi .Triều đại Chiêm dòng dõi chính là thần Siva danh hiệu Fan ( IE ). Nhiều vị vua Chiêm đã từng hành hương sang đất thánh sông Hằng ( Ấn Độ ) . Tôn giáo chính của họ là đạo Siva ( Thiện thần ) Ngoài ra họ cũng sùng bái đạo Phật . Cũng theo tài liệu đã dẫn vua Chiêm Indravarman II đã cho kiến thiết một ngôi chùa thờ Bồ Tát Quan Âm ở Quảng Nam . Qua những dữ kiện lịch sử đó ta thấy văn hóa Chiêm Thành thuộc khu vực Ấn Độ giáo hay Bà La Môn giáo đều là tôn giáo vạn hữu thần linh mà  mỗi vị thần là một quyền - năng - thiên - nhiên - biểu - hiện . Nền văn hóa nầy được du nhập vào Việt Nam bằng đường thủy từ Tích Lan , Miến Điện ...Các sử gia gọi nền văn hóa nầy là nền văn hóa Trung Ấn  . Trên bối cảnh văn hóa đó , linh phù Linga-Yoni được thờ ở điện thờ chính  .Còn các tháp phụ thuộc có ý nghĩa như thế nào ?
Linh phù Linga-Yoni ( Mỹ Sơn , Quảng Nam )
    Quần thể tháp Mỹ Sơn là công trình kiến trúc của dân tộc Chiêm . Bất cứ tác phẩm nghệ thuật nào cũng khởi đi từ cảm hứng tập thể . Bởi con người không thể sống riêng lẽ mà sống trong tập đoàn , xã hội trong mỗi khu vực và trong từng thời đại . Kinh nghiệm cho thấy những nghệ phẩm kiệt xuất thường xuất phát từ nguồn cảm hứng vô thức , nói theo thuật ngữ của nhà phân tâm Carl Jung thì đó là vô thức tập thể . Tháp Mỹ Sơn , chùa Một Cột không ngoài thông lệ ấy  . VÌ VẬY KHI NGHIÊN CỨU MỘT CÔNG TRÌNH NGHỆ THUẬT , TA PHẢI ĐẶT NGHỆ PHẨM ẤY TRONG MỘT CƠ CẤU TOÀN CỤC CỦA MỘT NỀN VĂN HÓA ( CHÍNH TRỊ , XÃ HỘI HỌC THUẬT , TÔN GIÁO ..). Nước Việt Nam ta có một hoàn cảnh địa lý khá đặc biệt , đó là ngã tư của nhiều dân tộc và nhiều nền văn hóa .Tháp Mỹ Sơn là biểu tượng tổng hợp của những dân tộc khu vực Trung Ấn . Tôn giáo của người Chăm là vạn hữu thần linh , mỗi một vị thần là một quyền năng thiên nhiên biểu hiện .Thiên nhiên mà dân tộc Chàm tin thờ chẳng qua là tượng trưng , vượt ra khỏi những hiểu biết của con người . .Đó chính là lực lượng siêu nhiên hay thực tại tuyệt đối gọi là Pháp Vĩnh Cửu .  Pháp vĩnh cửu của dân tộc Chăm là Siva , nguồn sống vô tận , vừa là khởi thủy vừa là chung cục của thế giới vạn vật sinh sinh hóa hóa vô cùng . Nguồn sống vĩnh cữu ấy có khả năng phân hóa ra làm hai cực : âm và dương . Sự phối hợp giữa âm và dương qua linh phù Linga - Yoni là biểu tượng cho cuộc HÔN PHỐI SÁNG TẠO SINH THÀNH VŨ TRỤ .
   Linga - Yoni không riêng gì của dân tộc Chăm mà còn là tục thờ tối cổ của nhân dân miền Indochina . . Nó miêu tả lòng tín ngưỡng thâm sâu vào nguồn cảm hứng vĩnh cửu của của một xã hội nông nghiệp làm nghề lúa nước . . Ở Tây Tạng cũng có phù hiệu ' yab - yum' tượng trưng sự phối hợp hai phương diện của vũ trụ , năng lực sáng tạo của âm dương .
      Thuyết âm dương hay đạo âm dương cũng là đạo Khổng Nho theo công thức trời tròn đất vuông ( thiên viên địa phương ) ; phong tục người Việt Nam làm bánh chưng bánh dày trong ngày Tết cổ truyền để cúng tổ tiên xuất phát từ ý tưởng vuông tròn của trời đất vũ trụ . . Lão giáo cũng lấy thuyết âm dương làm nguyên lý sinh thành và điều động của vạn vật  : " vạn vật phụ âm nhi bảo dương , sung khí dĩ vi hòa " ( tạo vật cõng khí âm mà ôm khí dương , hai khí hợp nhất tạo ra sự hòa điệu ).
Chùa Một Cột xưa
   Rõ ràng linh phù Linga - Yoni  là biểu tượng tổng hợp vô thức tập thể của các nguồn tư tưởng Ấn - Hoa  và kết hợp liên thông với tín ngưỡng bình dân và Nguyên lý Mẫu . Nguyên lý Mẫu hay tín ngưỡng về Đức Mẫu là nguyên lý sinh thành dưỡng dục rất phổ biến trong các xã hội nông nghiệp theo chủ nghĩa phồn thực . Ví dụ người Chăm thờ Thánh Mẫu Thiên Yana ở Tháp Bà Nha Trang  thờ Bà Cữu Thiên Huyền Nữ ở chùa Thập Pháp Bình Định ; thờ Bồ Tát Quan Âm tại chùa Quan Âm ở Quảng Nam .Người Việt Nam thờ Bà Chúa Liễu Hạnh . Câu chuyện về bà Ỷ Lan đời Lý cũng xuất phát từ việc tôn thờ nguyên lý Mẫu . Vua Lý Thánh Tông đi chinh phạt Chiêm Thành dài ngày không phân thắng bại bèn rút quân về . Trên đường về nghe tin Ỷ Lan thay mình trị nước , trên dưới đề huề , được dân chúng tôn vinh , vua lấy làm xấu hổ : " đàn bà mà như thế , ta là bậc trượng phu ,lẽ nào lại thua kém ư ? " Vua bèn quay lại trận tiền và dẹp yên giặc Chiêm . Trở về vua phong cho Ỷ Lan " Thần Phi Phu Nhân ". Còn dân chúng thì tôn bà là Quan Âm nữ  .Hiện nay ở Bắc Ninh , trên núi Giạm , cạnh ngôi chùa Hàn Long có đền thờ Quan Âm nữ .
   Có một sự trùng hợp thú vị giữa linh phù Linga - Yoni  và chùa Một Cột - được xây dựng và trùng tu dưới thời nhà Lý ( 1049 ). Lối kiến trúc của ngôi chùa độc đáo này cũng giống như hình ảnh của linh phù Linga - Yoni : ( một cái điện nhỏ bằng gỗ lợp ngói mái cong ) xây trên một cột đá lớn đứng vững chải giữa cái hồ vuông . Chùa có tên chữ là là nhất trụ tự được xây dựng từ một giấc mơ của Lý Thái Tông . Sử ký toàn thư của Ngô sĩ Liên viết : ' Năm 1048 dựng chùa Diên Hựu tức chùa Một Cột . Nguyên vua mộng thấy Phật bà Quan Âm ngồi trên đài sen ,dắt vua lên đài . Lúc tỉnh vua kể chuyện lại , triều thần cho là điềm gở . Sư Thiền Tuệ khuyên xây chùa , dựng cột đá giữa hồ , đặt đài sen có tượng quan âm ở trên , như đã thấy ở trong mộng ...'( Đại Việt sử ký toàn thư quyển II trang 37 ).Đến đời Lý Thánh Tông sau khi Nam chinh thắng trận trở về vua cho trùng tu lại chùa Một Cột xây thêm lầu chuông và hoa sen có tên chữ là Độc Trụ Lục Giác Liên Hoa Chung Lâu . Chùa còn có tên là Diên Hựu có nghĩa là dài lâu giòng giống .

  Tóm lại , nếu nhìn một cách phiến diện như nhà nho Dương văn An cho rằng Linga - Yoni là dâm vật đem thờ thần thì là chưa hiểu biết , là mê lầm ;nhưng nhìn một cách tổng quan thì linh phù Linga - Yoni là biểu tượng của sự sinh thành trong vũ trụ . Đạo phải có sự hòa hợp âm dương ( nhất âm nhất dương chi vị đạo ) . Ăn uống và làm tình  là chuyện bình thường để sống và duy trì nòi giống .Tuy vậy cái ăn được nhiều người nói đến như một văn hóa ẩm thực còn chuyện  làm tình  thì xem như úy kỵ .Vấn đề là cần nhận thức được chuyện làm tình   ...sao cho hợp với luân thường và đạo lý . 


hình ảnh linh phù Linga-Yoni và chùa Một Cột lấy từ internet

3 comments:

  1. Trên thế giới có vài nền văn hoá + tôn giáo lớn, và chúng được mang đi giao lưu qua các con đường di dân, giao thương, truyền giáo, kết hôn v.v., nhất là giữa các quốc gia lân cận. Chẳng hạn, ta sẽ thấy trên bản đồ, Ấn độ, Sri Lanca, Thái Lan, Campuchia, Lào, Miến Điện v.v. cùng chia sẻ tôn giáo Hindu của Ấn. Trong khi Bắc Ấn, chủ yếu lại là đạo hồi, ảnh hưởng chủ yếu từ Ba Tư và các nước Ả Rập. Còn Việt Nam, Hàn, Nhật v.v. lại bị ảnh hưởng của văn hoá Trung Hoa. Mà Bắc Trung Hoa cũng lại có đạo Hồi.
    Cho nên, người ta nói văn hoá (bao gồm tôn giáo trong đó) là đa dạng, không có văn hoá "

    ReplyDelete
  2. nào thấp kém hơn văn hoá nào. Vì thế, có thể có một vài cá nhân, do quan điểm còn hạn chế, chưa thấy hết được sự đa dạng trong thế giới chung quanh, và trân trọng nó.

    ReplyDelete
  3. Đúng vậy , nói đến văn hóa là nói đến chính trị , giáo dục , triết học tín ngưỡng , thuần phong mỹ tục , ..vv..
    Cảm ơn bạn ghé chơi nhà
    Dưa cà mắm muối ...đậm đà chân quê !

    ReplyDelete