Phạm Đạt Nhân
Tôi với Hoàng Lộc không có duyên thơ cũng không là văn hữu song học chung trường và ở cùng quê ( Quảng Nam ) . Tôi đọc thơ anh , ngâm thơ anh nhiều hơn là những cuộc chuyện trò (bù khú ) cùng anh . Dường như anh cũng không biết tôi vì học chung trường nhưng không chung lớp . Anh học trên tôi một lớp . Song tôi thì rất biết anh vì hồi đó anh đã nổi tiếng làm thơ hay từ những năm đầu của bậc Trung học . Xứ Quảng quê tôi là một xứ thơ ; nhiều nhà thơ nổi tiếng đã làm thơ hay từ nhỏ như Bùi Giáng ; Hoàng Lộc ; Tường Linh ..vv..Tôi thích thơ Hoàng Lộc vì thơ anh trung thực với lòng mình ; đặc biệt là anh sử dụng ngôn ngữ thơ một cách linh hoạt tài tình nhẹ nhàng như một anh chàng làm xiếc tung hứng tài ba .
Vào những năm 1959- 1960 tôi từ Đại lộc xuống Hội An học trung học ở trường Trần Quý Cáp ; có một thời gian tôi ở trọ ở lò bánh mì bà Xứ gần miếu ông Cọp - Xóm Mới . Từ miếu ông Cọp có con đường mòn dẫn ra nghĩa địa Thanh Minh ( * ) và ngang nhiều chùa cổ như Phước Lâm , Long Tuyền ...Nhà của Hoàng Lộc ở cách chỗ tôi trọ không xa ; có những lần đi học tôi lẻo đẻo theo anh nhưng không dám làm quen với anh vì mặc cảm " học trò nhà quê thấy cức dê kêu thuốc tể thấy củ nghệ kêu củ gừng " ; hơn nữa lúc đó anh đã nổi tiếng thơ hay trong trường !. Nhớ lại hình ảnh đó thiệt là giống y như một kẻ tình si vậy !! Dáng người anh cao dong dõng , mảnh khảnh , bước những bước khoan thai sang trọng ..Ôi!tựa như tôi thấy chàng Kim đang " lần bước dặm xanh " vậy !
Thế hệ của chúng tôi hồi đó ít có người vào được Đại học . Bởi hết tú tài là phải vào quân trường : " Chàng tuổi trẻ vốn dòng hào kiệt , xếp bút nghiên theo việc đao cung "
Trong những năm tháng chinh chiến tôi vẫn đọc thơ anh trên các trang tạp chí nguyệt san , bán nguyệt san . Mặc cho khói lửa chiến tranh , văn học miền Nam thời đó vẫn trăm hoa đua nở về học thuật cũng như về sáng tác . Thật không công bằng và uổng phí khi loại bỏ dòng văn học từ 1954 đến 1975 ở miền Nam !
Thơ Hoàng Lộc mãi mãi là
thơ tình muôn thuở .Thơ tình Hoàng Lộc luôn có giọng đằm thắm bao dung độ lượng dù bị tình phụ . Mặc dù đôi khi nổi đóa chửi đổng song chỉ thống trách chứ không oán trách :
"
Bởi mười đứa là mười bất nghĩa
Như ta đây rồi sẽ lụy vì em "
Trong suốt thời gian ở tù ( ** ) rồi ra tù thơ anh có giọng u uẩn về tình đời , tình người ..và ( thật là hiếm ) ...lại nghe anh chửi ...đổng :
"
Mồ tổ nhà em đồ bất nghĩa
Một năm hai tháng đã quên rồi
Ta như con chó không buồn sủa
Chỉ gầm gừ ngó cuộc tình trôi "
Nhưng rồi anh cũng lắng lòng nhìn lại mọi chuyện , suy ngẫm cái lẽ vô thường , biến dịch mà chấp nhận đổi thay !.....
" anh từng mặc ca sa- bưng bình bát
đi quanh cõi đời những được và thua
một lần qua nhà em anh đứng lại
nghe nặng đôi tay , anh quay về chùa
mở bình bát ra
trang thư tình em thơm ngát
anh mới hay mình là đứa chân tu "
( khất thực )
Có một số người cho rằng thơ Hoàng Lộc là thơ thất tình . Thật ra thơ Hoàng Lộc không phải là kiểu thơ thất tình của kẻ phàm phu mà là sự hụt hẫng , thất vọng trong tình đời , tình mộng . Nói theo cách nói của Xuân Diệu "
Yêu rất nhiều mà chẳng nhận bao nhiêu ". Hoàng Lộc yêu đời , yêu cuộc sống , yêu lý tưởng , yêu cái nhan sắc diễm lệ trời ban của người thiếu nữ; yêu cái mỹ miều hiền thục của các giai nhân - mà giai nhân thường
nan tái đắc ( "
người như em hồ dễ gặp hai lần " ). Không riêng gì Hoàng Lộc , các
thi sĩ đều có
một trái tim yêu như thế . Về điều nầy thì nhà Bùi Giáng có một nhận định rất hay : "
Người bình thường có thể cưới nhiều vợ mà yêu rất ít ; nhưng thi sĩ thì yêu rất nhiều mà vợ thì chỉ có một , có khi lại là không " . Tình mộng nguy nga , nghĩa đời thành tựu là sự toàn bích là điều hướng lý tưởng mà ai cũng mong đạt tới . Nhưng
" Trải qua một cuộc bể dâu " ( Nguyễn Du ) ta khó tránh những chuyện đau lòng :
"
Buổi đổi đời danh sĩ cũng lêu bêu
Hà huống chi ta một thằng say rượu" .
Một thân phận là một mãnh đời - với Hoàng Lộc là ...một
xó đời !
......
Xó đời ta ơi bút cùn mực nhạt
Em nhìn lui mới biết chuyện không đành
Nhưng nếu chút lòng xưa em chẳng khác
Thì đọa đày ta dễ uổng thân xanh
Trăm năm đó em vẫn là con sáo
Thiếu gì đường bay mà phải qua sông
Tình đến thế mà lưng chừng em bỏ
Đời thơ ta rồi cũng bỏ lưng chừng
Vẫn tin được em chưa hề bất nghĩa
Ta ru ta bằng một tiếng thở dài
Tình muốn lớn mà lòng em không thể
Đời phải buồn cho đủ những cơn say
( Từ xó đời ta )
Em bất nghĩa mà " vẫn tin được em chưa hề bất nghĩa " . Bởi không phải tại em mà tại tình đời thay trắng đổi đen .
Ta bức tóc giữa tang điền thương hải
Phải chi lòng em còn chỗ dung thân
( Từ xó đời ta )
Nhớ lúc trước hồi tôi còn ở Đại Lộc , một số anh em ở Đại lộc - Quảng Nam yêu thơ Hoàng Lộc và rất khoái bài thơ " Về Hội An uống rượu đợi người " của anh nên thường tập hợp nhau lại để cùng nhau bình và túy lúy ngâm bài thơ đó vô cùng thích thú . Qua anh Thống ở Điện Bàn có lần chúng tôi mời được Hoàng Lộc lên Đại lộc chơi và hỏi anh một số từ còn hồ nghi trong bài thơ . Tối hôm đó tại nhà của Nguyễn Giúp chúng tôi được thưởng thức một buổi tiệc thơ ấm cúng do Hoàng Lộc thết đãi mà bây giờ tôi vẫn còn ao ước được thêm một lần lập lại ......Hoàng Lộc đọc cho chúng tôi nghe những bài thơ anh mới sáng tác . Anh vô cùng ngạc nhiên khi nghe tôi ngâm bài thơ " Về Hội An uống rượu đợi người " trong đó có một số từ ngữ bị ...
tam sao thất bản ! Anh lại cũng rất khoái chí khi thấy thơ mình
bị " xã hội hóa " và trở nên " toàn bích " ( như một số anh em quyết chí khảng định )!
Về Hội An uống rượu đợi người
Đời nhỏ tưởng chừng dăm hớp rượu
Ô hay hồn đã chật hồn sầu
Ta kiếm quẩn quanh trời cố xứ
Hồng nhan hồng nhan ta chiêm bao
Nhớ em suốt cả mùa lưu viễn
Ta đây nào khác đứa cùng đường
Thế sự nhi nhô loài mắt trắng
Ngựa què ta cũng mỏi tay cương
Nhớ em từ độ trăng tròn khuyết
Quán cuồng hào sĩ lệ rưng rưng
Như ta há dễ một lần ta khóc ( mà khóc thật )
Em hát liêu trai khúc nguyệt cầm
Về đây chợt nhớ Trường Giang rộng
Ngựa cổ cười khinh mùa phong yên
Du tử tài hoa anh lỡ vận
Rượu nồng đâu nỡ đợi tay em
Cố hương chừ mặc ta say khướt
Thôi trăng rồi cũng khuất đầu non
Tình vụn như rượu nồng ta lỡ sặc
Hồng nhan ơi em có thương giùm
Năm 2003 tôi may mắn được đọc tập thơ " Qua mấy trời sương mưa" của Hoàng Lộc . Và một nỗi xúc cảm đã khiến tôi cảm tác :
Đọc thơ Hoàng Lộc qua mấy trời sương mưa
Đọc thơ anh tôi ngắm lại mình
Về những tháng năm sách đèn nơi phố Hội
Những bạn bè bao lần rong phố
Những cuộc tình si ngốc nghếch ngô nghê
Anh đã nóí giùm tôi mộng đời trai trẻ
Mộng ngày xanh khanh tướng công hầu
Những ước mơ thư kiếm một thời
Nhưng thương hải cũng hoài thương hải
Mộng không thành về yêu " loài con gái"
"
Con gái con gung " bất nghĩa bất nghì
Chỉ còn rượu anh tợp vào túy lúy
Nói ngọng nói ngoa bù lu bù loa
Hoàng Lộc ơi ' con nai vàng ngơ ngác '
Từng thu xưa thu chết lá thu vàng
Chừ đâu phải thời Xuân thu chiến quốc
Kẻ sĩ hàn nho môn khách ..đách ai mời !
Mới đây đọc tập thơ " Cho dẫu phù vân " của anh tôi thấy thơ anh đã rất trầm lắng , càng bao dung và độ lượng . Tuổi tác tuy có già nhưng trái tim anh rất trẻ , vẫn còn tươi nguyên chuyện tình năm cũ ; vẫn thủy chung chắt chiu từng kỷ niệm . Giới trẻ ngày nay mấy ai đã yêu và làm thơ yêu đẹp như Hoàng Lộc ?!
( * ) nhạc sĩ La Hối đã an nghỉ tại đây
(**) Bị đi cải tạo